Bỏ qua

Thói quen, hệ thống và không ngày số 0

Credit

Một phần (gần như toàn bộ bài viết) được viết bởi thefoolwhodreams trên Spiderum. Bài viết có tiêu đề Atomic Habits: Bạn đã hiểu đúng về tạo lập thói quen?

Tập trung vào hệ thống thay vì đặt mục tiêu

Đặt cho mình một mục đích quá cao để rồi không thể đạt được thật là một việc chẳng những vô ích lại còn nguy hiểm là khác.

Nguyễn Duy Cần

Mục tiêu là chúng ta sẽ đạt được gì, hệ thống là chúng ta sẽ thực hiện nó như thế nào.

Tất cả mọi người khi muốn tạo lập thói quen mới thường sẽ đặt ra các mục tiêu, như giảm được 5kg sau hai tháng chạy bộ, mỗi tháng đọc hết một cuốn sách. Điều này không sai, nhưng đôi khi chúng ta quá tập trung vào mục tiêu mà quên tạo ra một lộ trình rõ ràng để đi đến mục tiêu đó. Trong cuốn sách, James Clear đã đưa ra 4 lý do vì sao ta không nên quá tập trung vào mục tiêu:

(1) Người thắng lẫn kẻ thua đều có cùng mục tiêu, người chiến thắng là người biết làm thế nào để đạt được mục tiêu

(2) Đạt được mục tiêu chỉ là sự thay đổi tạm thời, nếu không thay đổi chính bản thân thì đâu sẽ lại hoàn đó

(3) Mục tiêu giới hạn hạnh phúc bản thân, ta chỉ hạnh phúc khi hoàn thành mục tiêu

(4) Một mục tiêu sẽ trục trặc với quá trình dài hạn, sau khi hoàn thành mục tiêu thì ta sẽ làm gì? Tiếp tục cố gắng hay sẽ nghỉ xả hơi vài (chục) hôm như mình :)

Đạt được mục tiêu thực ra cũng chỉ là một thay đổi tạm thời, cái chúng ta hướng đến là một thói quen sẽ đi theo ta một thời gian dài. Quá tập trung vào mục tiêu đôi khi lại làm mất động lực phấn đấu khi đã đạt được nó. Ngược lại, hệ thống là tổng hợp của nhiều yếu tố: sự phân bổ thời gian trong ngày, các cam kết hoặc một phương pháp giúp định lượng sự tiến bộ. Việc tạo ra một hệ thống tốt, nghiêm ngặt thực hiện nó sẽ đem lại hiệu quả cao hơn là một mục tiêu mà ta sẽ không bao giờ thực hiện.

Tất nhiên là ai khi đặt mục tiêu cũng sẽ vẽ ra lộ trình để thực hiện nó, như mỗi ngày chạy bộ 2km, mỗi ngày đọc hai mươi trang sách. Cái mình muốn nhấn mạnh là đừng quá tập trung vào mục tiêu. Thay vì đó hãy xây dựng một hệ thống thật chi tiết, thực hiện nó thật nghiêm ngặt, vì sau cùng thì thứ đi theo ta sẽ là hệ thống chứ không phải mục tiêu ban đầu đề ra. Sau hai tháng chạy bộ, bạn vẫn không giảm được 5kg thì sao? Đừng thất vọng, vứt mẹ cái mục tiêu và tiếp tục chạy đi :D

Thay đổi thói quen cần song hành với thay đổi căn tính

Căn tính (self-identity) ở đây có thể hiểu là cách một người nhìn nhận chính bản thân của họ.

Căn tính mỗi người được xây dựng dựa trên kinh nghiệm mà người đó đã trải qua.

Để làm rõ hơn (không phải để chứng minh, tác giả cuốn sách cũng không đính kèm bài báo khoa học nào cho luận điểm trên :/) mình xin được kể một câu chuyện về đứa bạn cùng phòng mình. Có lần nó tâm sự với mình là nó đang sinh hoạt trong một vài hội nhóm. Một hôm, trong buổi sinh hoạt, nó bàng hoàng nhận ra là nó không thể nhớ được tên bất kỳ ai trong cái biển người này, rồi nó nghĩ bản thân là kiểu "khó nhớ tên người khác". Lần tới, thay vì cố nhớ tên mọi người, nó lấy lý do là "khó nhớ tên", rồi chọn nhớ tên 1, 2 người và keme phần còn lại. Dần dần, nó tự cho rằng nó là người không tự tin, không thể hòa nhập với cộng đồng, rồi thì là người hướng nội, abc, xyz, bla bla. Một ngày đẹp trời, nó xin rời nhóm. Yeah, các bạn đoán đúng rồi đấy, không có thằng bạn cùng phòng nào ở đây cả :v

Bạn thấy đấy, mỗi lần không nhớ được tên mọi người, mình đã bỏ một lá phiếu vào hộp "tôi là kiểu người không thể nhớ tên người khác", vài lần như vậy, mình đã tự xây dựng căn tính cho bản thân là loại "khó nhớ tên", rồi biến thành chính kiểu người đó. Tiếp đến, mình lại bỏ phiếu vào hòm "không tự tin", hòm "khó hòa nhập". Tất cả các là phiếu đó đều là kết quả từ kinh nghiệm mà mình đã trải qua.

Vậy, nếu căn tính được xây dựng dựa trên kinh nghiệm, thì nó có liên hệ gì với các thói quen? Thói quen không đơn thuần chỉ là một hành động lặp đi lặp lại. Mỗi ngày, khi thực hiện một thói quen nào đó, bạn đang bỏ một lá phiếu để xây dựng căn tính của bạn. Lấy ví dụ, mình xây dựng thói quen đọc sách hàng ngày, nếu thực hiện tốt, mình sẽ nhìn nhận bản thân là một người thích đọc sách, từ đó sẽ đọc nhiều hơn, muốn chia sẻ những thứ mình đọc với mọi người hơn, rồi những thứ đó lại tiếp tục củng cố niềm tin rằng mình là người thích đọc sách. Đó là một vòng lặp. Thói quen xây dựng căn tính, căn tính giúp thực hiện thói quen một cách dễ dàng, tự động, thậm chí phát triển nó thành thói quen mới, rồi thói quen mới lại quay lại củng cố căn tính. Điều này cũng đúng với thói quen xấu. Chỉ cần vài ngày không đọc, mình sẽ nhìn nhận bản thân là người thiếu kỷ luật, và vì nhìn nhận bản thân là thiếu kỷ luật, mình keme các thói quen khác, bật máy tính lên và chơi game quá 180 phút :_)

Như vậy, thay đổi thói quen phải song hành với thay đổi căn tính. Nghĩ xem bạn muốn trở thành người như thế nào trước; song song với việc thiết kế thói quen để chứng minh bạn là kiểu người đó, hãy rà soát cuộc sống xem có thói quen xấu nào mâu thuẫn với kiểu người đó không. Mỗi hành động bạn làm sẽ bỏ phiếu cho kiểu người bạn muốn trở thành. Quên bỏ phiếu một vài lần ư? Không sao hết, miễn là hòm phiếu của bạn mong muốn vẫn chiếm đa số, thì bạn vẫn đang trên con đường trở thành người mà bạn muốn trở thành.

Xin được trích dẫn một đoạn mà mình thấy rất hay (Từ sách Thói quen nguyên tử).

Thay đổi căn tính là sao bắc đẩu của việc thay đổi thói quen. [...] Nhưng câu hỏi thực sự ở đây là: "Bạn có đang trở thành con người bạn muốn trở thành không?" Bước đầu tiên không phải cái gì hay như thế nào mà là ai. Bạn cần biết rõ mình muốn trở thành ai. Không thì công cuộc thay đổi của bạn sẽ như con thuyền mất lái. [...] Thay đổi thói quen tốt hơn không phải là chuyện lấp đầy một ngày của mình bằng các mẹo vặt cuộc sống, xỉa răng mỗi tối, tắm nước lạnh mỗi sáng, hay cố gắng ăn mặc cho đồng bộ ngày qua ngày. Cũng không phải việc đạt được các thước đo bên ngoài như kiếm được nhiều tiền hơn, giảm nhiều cân hơn, hay giảm căng thẳng tốt hơn. Thói quen có thể giúp bạn đạt được hết thảy những điều này, nhưng về cơ bản thì thói quen không phải là chuyện có được cái gì đó, mà là về việc trở thành ai đó.

Không ngày số không: Một hệ thống được đơn giản hóa

Lan man như thế để thấy thói quen có ánh hưởng rất quan trọng đến cuộc sống của mỗi người, và để tạo một thói quen, ta không chỉ đặt mục tiêu mà còn phải thiết kế một "hệ thống".

Muốn xây dựng được một hệ thống tốt, trước hết phải hiểu các bước hình thành một thói quen. Một trong những cách đơn giản nhất để bắt đầu là xây dựng một hệ thống "không số không".

"Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu"

Hồ Chí Minh

Một ngày số không là một ngày bạn không làm BẤT CỨ ĐIỀU GÌ để tiến gần hơn đến mục tiêu, ước mơ hay bất cứ thứ gì bạn muốn. Đó là những ngày bạn mắc kẹt trong sự trì hoãn, thiếu động lực và cảm thấy bản thân không làm được cái gì ra hồn.

Vậy nên, nguyên tắc đầu tiên và cũng là nguyên tắc quan trọng nhất của phương pháp này là: Cam kết rằng sẽ không còn ngày số không nào nữa trong cuộc sống của bản thân.

Điều này không có nghĩa là bạn phải làm việc cật lực hay đạt được những thành tựu to lớn mỗi ngày. Điểm mấu chốt là cần phải tạo ra một HỆ THỐNG mà trong đó, mỗi ngày đều có ít nhất một hành động hướng về tầm nhìn mà bạn đặt ra cho bản thân.

Bạn cảm thấy cả ngày hôm nay thật tồi tệ, không làm được gì có ích, và bây giờ đã gần nửa đêm? Hãy làm ngay một điều gì đó cực kỳ đơn giản:

Cả ngày hôm nay bạn đã không làm được cái gì? Chỉ còn một vài phút nữa là hết ngày? Hãy hoàn thành một việc gì đó đơn giản như:

  • Đọc một trang sách.
  • Viết nhật kí nhanh.

Chỉ cần hoàn thành một việc nhỏ là đủ, bởi vì 1 LÀ KHÔNG PHẢI 0. Điều quan trọng nhất không phải là khối lượng bạn làm được, mà là bạn có chịu HÀNH ĐỘNG để phá vỡ trạng thái "số không" hay không. Thay vì đặt nặng kết quả, hãy tập trung vào quá trình.

Tôi khuyên các bạn là chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được.

Hồ Chí Minh

Tìm hiểu thêm về việc lập thói quen

Do mục tiêu của bài viết này là những tân thủ trong quá trình tự học, mình sẽ không đi quá chi tiết vào việc tạo lập thói quen ở đây. Bạn có thể bắt đầu thực hành hệ thống "Không số không" mà mình đã đề cập ở trên. Sau đó, nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về thói quen thì bạn có thể đọc thêm: