Skip to content

Ba thách thức lớn nhất mà người học ngoại ngữ phải đối mặt

Trang gốc: Three biggest challenges facing an English learner - Antimoon Translation Project.

1. Nuôi dưỡng niềm đam mê học ngoại ngữ

Tất cả những người học ngoại ngữ đều mong muốn mình nói ngoại ngữ thật tốt. Họ vô cùng thích thú với ý nghĩ rằng mình sẽ có khả năng giao tiếp trôi chảy bằng ngoại ngữ. Tuy nhiên, họ thường không mấy chú trọng đến quá trình học. Đối với hầu hết mọi người, việc học ngoại ngữ là một nghĩa vụ - một cái gì đó mang tính bắt buộc nhưng họ lại không thích. Họ không tìm thấy niềm đam mê trong việc học ngoại ngữ.

Nói tóm lại, hầu hết người học đều muốn nói thành thạo ngoại ngữ nhưng lại chẳng thích việc học hành. Đây chính là trở ngại đầu tiên và cũng là lớn nhất mà họ phải đối mặt bởi một lẽ: người ta sẽ không thể nào học tốt ngoại ngữ nếu như họ không có hứng thú với nó. Nếu bạn không thích ngoại ngữ thì nó cũng chẳng thích gì bạn đâu!

Để thành công, bạn phải yêu thích chính quá trình học của mình. Bạn cần sử dụng thời gian học ngoại ngữ như là thời gian để thư giãn và giải trí. Ví dụ như bạn nên tập thói quen:

  • đọc các mẫu câu ngoại ngữ và suy ngẫm về cấu trúc của chúng
  • học từ mới trong từ điển
  • viết một câu ngoại ngữ chuẩn xác bằng cách tham khảo từ điển, sách hướng dẫn văn phạm và các trang web
  • luyện tập phát âm các từ ngoại ngữ

Lý tưởng nhất là bạn hãy xem việc học ngoại ngữ như một sở thích. Bạn nên nghĩ rằng bạn là một Người Học ngoại ngữ – người đã chọn việc học ngôn ngữ này là hoạt động yêu thích nhất.

2. Tạo nên sự thay đổi đầu tiên trong đời

Quyết định học ngoại ngữ đòi hỏi ở bạn những sự thay đổi lớn lao. Ví dụ như khi bạn quyết tâm đọc một cuốn sách ngoại ngữ 30 phút mỗi ngày và luôn kiên trì với điều đó. Quả thật là rất khó để tạo nên một sự thay đổi tuy nhỏ mà lâu bền trong đời, đặc biệt là khi học ngoại ngữ đối với bạn không phải là “niềm đam mê”. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng học ngoại ngữ 15 phút mỗi ngày sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc chỉ học một ngày trong cả tháng.

3. Tạo nên nhiều sự thay đổi hơn nữa

Nếu như sự thay đổi đầu tiên là điều khó khăn nhất thì những thay đổi sau này cũng chẳng dễ dàng gì hơn. Rất nhiều người đã thực hiện bước đầu tiên (ví dụ như họ bắt đầu đọc sách ngoại ngữ hằng ngày) và rồi dừng lại ở đó. Họ không tham gia vào bất kỳ hoạt động trau dồi ngoại ngữ nào khác.

Riêng người học có phương pháp sẽ tự trang bị cho mình một danh sách các hoạt động (đọc sách, xem truyền hình, luyện tập phát âm, nghe băng đĩa, v.v...) và lựa chọn những hoạt động nào phù hợp với mình. Chỉ một hoạt động thôi là không đủ bởi vì 1) bạn sẽ nhanh chán và 2) các kỹ năng của bạn sẽ phát triển không đồng đều. Ví dụ: chỉ đọc sách ngoại ngữ thôi thì không thể cải thiện cách phát âm của bạn dù cho nó có thể giúp bạn nâng cao vốn từ vựng, ngữ pháp, khả năng đọc hiểu và kỹ năng viết.